Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021
Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021
Vệ sinh kinh nguyệt – yếu tố đảm bảo tránh mắc bệnh phụ khoa ở phụ nữ
Vệ sinh kinh nguyệt – yếu tố đảm bảo tránh mắc bệnh phụ khoa ở phụ nữ |
Theo ThS.BSCKII. Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám Sản khoa tự nguyện, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, kinh nguyệt là chảy máu từ buồng tử cung do bong niêm mạc tử cung ở mỗi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Kinh nguyệt không phải chỉ có máu mà gồm máu từ niêm mạc, dịch tiết buồng tử cung… Máu hành kinh là một hỗn dịch, hoàn toàn không có nhiễm khuẩn, nó chỉ nhiễm khuẩn khi phụ nữ vệ sinh không đúng.
Phụ nữ khi bước vào thời kỳ sinh sản sẽ có vòng kinh đầu tiên. Khi hành kinh bộ phận sinh dục mở ra để máu kinh ra ngoài, đây cũng là con đường vi khuẩn dễ dàng xâm nhập nếu vệ sinh không đúng. Lý giải điều này, BS Thủy cho rằng, máu hành kinh không nhiễm khuẩn, nhưng khi đã tiếp xúc với không khí và môi trường bên ngoài máu đó lại trở thành môi trường dễ bị nhiễm khuẩn nhất, vi khuẩn sẽ đi ngược vào phần phụ của người phụ nữ.
Chia sẻ về kinh nghiệm hàng chục năm công tác trong lĩnh vực sản phụ khoa, BS Thủy nói, có nhiều người phụ nữ do điều kiện lao động, sống trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, thiếu nước hoặc nguồn nước không đảm bảo cho nhu cầu vệ sinh tối thiểu…. là nguy cơ khiến chị em dễ mắc bệnh phụ khoa.
BS Thủy cảnh báo, trong thời kỳ hành kinh, người phụ nữ không biết cách vệ sinh hoặc vệ sinh không đúng dễ dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa, ban đầu có thể là viêm âm hộ, âm đạo, rồi lan đến cổ tử cung, thậm chí lên tới vòi trứng, từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của người phụ nữ sau này.
Sử dụng băng vệ sinh và các sản phẩm hỗ trợ khác sao cho đúng?
Hành kinh đem lại không ít phiền toái cho phụ nữ, nên người ta nghĩ ra nhiều biện pháp để phụ nữ tránh được sự phiền toái này, cảm thấy thoải mái trong những kỳ “đèn đỏ”. Có rất nhiều sản phẩm vệ sinh phụ nữ trong thời kỳ hành kinh như băng vệ sinh, tampon và cốc nguyệt san...
Theo BS Thủy, nếu sử dụng băng vệ sinh, chị em cần thay rửa vệ sinh khoảng 3-4 tiếng một lần, bởi đây là thời gian để vi khuẩn chưa kịp sinh sôi, phát triển. Trong khi đó nếu đặt tampon vào âm đạo, nhiều người cho biết họ cảm thấy khô, rát âm đạo vì tampon có cơ chế hút dịch rất mạnh. Mới đây, sự ra đời của cốc nguyệt san lại thêm một lựa chọn cho chị em phụ nữ.
BS Thủy lưu ý, với những người ưa thích dùng cốc nguyệt san, cần chọn một cốc nguyêt san có kích thước vừa với âm đạo. Chỉ những người đã quan hệ tình dục mới nên dùng cốc nguyệt san. Nhiều người lo lắng sử dụng cốc nguyệt san khiến âm đạo bị giãn rộng, hoặc cốc trôi ngược vào người, BS Thủy cho rằng, điều này không có cơ sở, bởi âm đạo là bộ phận co giãn rất nhiều, khi đặt cốc nguyệt san vào âm đạo không đủ để làm giãn âm đạo, khiến phụ nữ mất cảm giác trong quan hệ vợ chồng. Hơn nữa, khi đặt cốc nguyệt san , cơ âm đạo sẽ thít lại giữ chặt cốc nguyệt san ở âm đạo.
Tuy nhiên, BS Thủy khuyên, khi sử dụng cốc nguyệt san, chị em nên lưu ý chỉ để cốc nguyệt san trong khoảng 6-12 tiếng, tùy thuộc vào lượng kinh nguyệt nhiều hay ít. Nên thay cốc nguyệt san mỗi 12 tiếng. Nếu cốc nguyệt san đầy trước thời gian này, cần thay cốc trước khi kinh nguyệt bị trào ra ngoài. Việc vệ sinh cốc nguyệt san cũng rất quan trọng, chị em cần xem kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để vệ sinh đúng cách.
Những dấu hiệu của viêm nhiễm phụ khoa:
- Xuất hiện khí hư âm đạo.
- Mùi khó chịu ở âm đạo.
- Khi bị hành kinh, cũng có những dấu hiệu chỉ ra là bị viêm nhiễm. Bình thường máu hành kinh không có mùi, chỉ có mùi tanh của máu. Nếu máu hành kinh hôi, có mùi bất thường, bạn có khả năng bị viêm nhiễm.
- Máu hành kinh lợn cợn của khí hư….
- Nếu người phụ nữ cảm thấy bất thường phần phụ, trước và trong thời kỳ hành kinh, cần đi khám chuyên khoa để xác định.
BS Diêm Thủy khuyên chị em Khi phát hiện có những bất thường nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị.
Sức khỏe sinh sản là gì và một số khái niệm, chỉ số, cách tính chỉ số trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản
Theo Tổ chức Y tế Thế giới Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe sinh sản là trạng thái khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và hòa hợp xã hội về tất cả các phương diện liên quan đến hệ thống sinh sản trong suốt các giai đoạn của cuộc đời.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản là một tập hợp các phương pháp, kỹ thuật và dịch vụ nhằm giúp cho con người có tình trạng sức khỏe sinh sản khỏe mạnh thông qua việc phòng chống và giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Điều này cũng bao gồm cả sức khỏe tình dục với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống và mối quan hệ giữa con người với con người mà không chỉ dừng lại ở chăm sóc y tế và tư vấn một cách đơn thuần cho việc sinh sản và những nhiễm trùng qua đường tình dục.
Để xác định chính xác các nội dung trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ta cần biết các chỉ số đánh giá cụ thể trong lĩnh vực này.
I. Các dạng chỉ số.
1. Tỷ số: Là một số tương đối biểu hiện quan hệ so sánh giữa 2 bộ phận cùng một tổng thể nghiên cứu. Ở chỉ tiêu này tử số không nằm trong mẫu số. VD: tỷ số Nam/Nữ.
2. Tỷ lệ: Là một số tương đối biểu hiện sự tương quan giữa một bộ phận của tổng thể với tổng thể nghiên cứu. Ở chỉ tiêu này tử số là một phần của mẫu số.
VD: Tỷ lệ dân số dưới 5 tuổi: Tổng số dân số dưới 5 tuổi/ tổng số dân số x 1000.
Người ta thường tính tỷ lệ %, ‰ …bằng cách nhân với hằng số K. Hằng số K là 100, 1000, 100.000.
3. Tỷ suất: Là một số tương đối để đo lường tần suất xuất hiện của hiện tượng nghiên cứu trong một khoảng thời gian nhất định. Trong đó tử số là các sự kiện mới phát sinh và mẫu số là số lượng cá thể có thể phát sinh ra sự kiện đó.
Tỷ suất = Số sự kiện mới phát sinh trong khoảng thời gian xác định thuộc một khu vực/Số lượng các thể tích trung bình có khả năng phát sinh ra các sự kiện đó của khu vực trong cùng một thời gian x K.
II. Một số khái niệm
1. Phụ nữ có thai: là phụ nữ có thai trong hoặc ngoài tử cung.
2. Tuổi thai: Tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng của thai phụ, trường hợp không nhớ ngày đầu của kỳ kinh cuối sẽ dựa trên siêu âm để ước tính.
3. Thai non tháng: Là thai từ đủ 22 tuần đến dưới 37 tuần
4. Thai đủ tháng: Là thai đủ 37 tuần tuổi đến 42 tuần
5. Thai quá ngày sinh: Là thai quá 42 tuần.
6. Thai chết trong tử cung: Là thai chết và lưu lại trong buồng tử cung của người mẹ, có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi thai nào khi chưa có chuyển dạ.
7. Đẻ: Là việc kết thúc thai nghén, thai nhi được lấy ra khỏi cơ thể người mẹ từ đủ 22 tuần tuổi trở lên bất kể trẻ sống hay chết và cũng không cần xác định chửa trong tử cung hay ngoài tử cung.
8. Trẻ đẻ sống: Là thai nhi được lấy ra khỏi cơ thể người mẹ từ đủ 22 tuần tuổi trở lên và có bất kỳ dấu hiệu sự sống nào như dây rốn đập, tim đập… dù dây rốn đã cắt hoặc chưa cắt.
9. Trẻ đẻ chết: Là thai nhi được lấy ra khỏi cơ thể người mẹ từ đủ 22 tuần tuổi trở lên không có bất kỳ dấu hiệu sự sống nào dù dây rốn đã cắt hoặc chưa cắt.
10. Tử vong chu sinh: Là tử vong thai từ đủ 22 tuần đến 7 ngày sau sinh
11. Tử vong sơ sinh: Là trẻ đẻ ra sống và tử vong trong vòng 28 ngày sau sinh
12. Tử vong dưới 1 tuổi: Là số trẻ đẻ ra sống và tử vong đến dưới 1 tuổi
13. Tử vong trẻ dưới 5 tuổi: Là số trẻ đẻ ra sống và tử vong đến dưới 5 tuổi
14. Trẻ nhẹ cân: Là trẻ sinh ra có trọng lượng dưới 2.500g
15. Tử vong mẹ: Là số bà mẹ tử vong từ khi có thai đến 42 ngày sau đẻ (không tính tai nạn, tự tử, ngộ độc).
16. Số phụ nữ đẻ được khám thai: Là số phụ nữ đẻ được khám thai từ 1 lần trở lên
17. Số phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên/3 kỳ: Là số đẻ được khám thai đủ 4 lần trong 3 kỳ (3 tháng đầu 1 lần, 3 tháng giữa 1 lần, 3 tháng cuối 2 lần ).
18. Số phụ nữ được chăm sóc sau sinh tại nhà: Là số phụ nữ sau đẻ 42 ngày được người có chuyên môn y tế đến chăm sóc tại nhà tối thiểu 1 lần.
19. Đặt dụng cụ tử cung: Là số phụ nữ được đặt dụng cụ tránh thai trong buồng tử cung.
20. Phá thai: Là phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu sinh nên đã thực hiện phá thai. Phá thai có thể dùng phương pháp ngoại khoa là hút thai, nạo thai, gây đẻ non; Hoặc có thể phá thai nội khoa tức là uống thuốc gây sẩy thai.
21. Tổng số cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại: Là tổng số các cặp vợ chồng đang thực hiện biện pháp tránh thai: đặt dụng cụ tử cung, thuốc uống tránh thai hàng ngày, thuốc tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai, bao cao su, triệt sản.
22. Ba thai kỳ: Là có thai trong 3 tháng đầu gọi là thai kỳ 1, 3 tháng giữa gọi là thai kỳ 2, 3 tháng cuối gọi là thai kỳ 3.
III. Cách tính:
1. Tỷ lệ giới tính khi sinh = Tổng số trẻ trai/ Tổng số trẻ gái
2. Tỷ suất tử vong chu sinh = Tổng số tử vong chu sinh/Tổng số trẻ đẻ sống x 1.000
3. Tỷ suất tử vong sơ sinh = Tổng số tử vong sơ sinh/Tổng số trẻ đẻ ra sống x 1.000
4. Tỷ suất tử vong dưới 1 tuổi = Tổng số tử vong dưới 1 tuổi/Tổng số trẻ đẻ ra sống x 1.000
5. Tỷ suất tử vong dưới 5 tuổi = Tổng số tử vong dưới 5 tuổi/Tổng số trẻ đẻ ra sống x 1.000
6. Tỷ lệ trẻ đẻ nhẹ cân = Tổng số trẻ đẻ sống có cân nặng dưới 2.500 g/ Tổng số trẻ đẻ sống x 100.
7. Tỷ lệ tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống = Tổng số bà mẹ tử vong / Tổng số trẻ đẻ sống x 100.000.
8. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai = Tổng số phụ nữ đẻ được khám thai/ tổng số người đẻ x 100.
9. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai 4 lần trở lên/ 3 thai kỳ = Tổng số phụ nữ đẻ được khám thai 4 lần trở lên/ Tổng số phụ nữ đẻ x 100.
10. Tỷ lệ phụ nữ được chăm sóc sau sinh tại nhà = số phụ nữ sau sinh trong vòng 42 ngày được người có chuyên môn y tế chăm sóc tại nhà/ Tổng số người đẻ x 100.
BS Lê Huy Tuấn
(Trưởng Khoa CSSKSS – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội)
Bài đăng tiêu biểu
-
Mẹo 600 câu hỏi ôn thi GPLX Cấp phép Đường cấm dừng, cấm đỗ, cấm đi do UBND cấp tỉnh cấp Xe quá khổ, quá tải do: cơ quản quản lý đườ...
-
File PDF tài liệu 600 câu hỏi lý thuyết lái xe ô tô hạng B1, B2, C mới nhất năm 2020. Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa ban hành Bộ đề 600 câu...